Học viện CNBCVT: Nhiệm vụ mới, cơ hội mới (2014-07-15 03:00:00)

Theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, từ 1/7/2014, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thuộc quyền quản lý của Bộ TT&TT. Một nhiệm vụ mới, cơ hội mới đang mở ra với đơn vị này…

G_8690 copy7.3.2013.jpg

Nhiều thành quả đáng ghi nhận

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và xây dựng tiềm lực KHCN phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước trở thành vấn đề cấp bách, đặc biệt với những ngành công nghệ cao, hội nhập quốc tế sớm như ngành BCVT-CNTT. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đào tạo và KHCN còn hạn chế, các viện nghiên cứu, trường đại học hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao còn thiếu tính cập nhật, ít gắn với thực tiễn SXKD, nên hiệu quả nghiên cứu khoa học còn thấp. Năm 1996, Hội nghị TW 2 (khóa VIII) đã chủ trương cho thí điểm mô hình gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và SXKD trong một số tổng công ty lớn của Nhà nước. Trên tinh thần ấy, Tổng công ty BCVTVN (VNPT) là một trong những doanh nghiệp tiên phong, chủ động xây dựng và trình Chính phủ đề án thành lập Học viện CNBCVT trên cơ sở sáp nhập các đơn vị nghiên cứu, đào tạo của ngành Bưu điện, trở thành tổ chức nghiên cứu, đào tạo đầu tiên được thành lập và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết TW 2 khóa VIII.

Vượt qua các khó khăn của mô hình thí điểm với hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đến nay Học viện đã trở thành đơn vị Nghiên cứu và Đào tạo công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn bộ. Từ năm 2011, Học viện đã tự cân đối được toàn bộ mọi chi phí. Hoạt động nghiên cứu của Học viện đều do doanh nghiệp và xã hội đặt hàng. Học viện cũng là đơn vị đi tiên phong mở các ngành đào tạo mới lần đầu tiên tại Việt Nam như Công nghệ đa phương tiện - Multimedia, An toàn thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao cho hiện tại và trong tương lai.

Trong gần 17 năm qua, Học viện đã cung cấp cho xã hội và cho ngành VT và CNTT Việt Nam hàng chục ngàn cán bộ KHCN điện tử, viễn thông, CNTT, quản trị kinh doanh. Nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ đầu ngành; các nhà quản lý, các kỹ sư giỏi, doanh nhân thành đạt …

Cơ hội mới

Từng bước theo lộ trình, VNPT đã và đang thực hiện Tái cơ cấu mà khởi đầu là việc tách Tổng công ty VnPost từ năm 2013.

Đối với VNPT, lẽ tất nhiên, giai đoạn đầu sẽ gặp phải nhiều khó khăn nhưng đây vừa là thách thức vừa đồng thời là cơ hội, mà nói như Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng thì “Việc thay đổi là con đường duy nhất để đưa Tập đoàn đi lên, nếu không đi tắt đón đầu thì không thể phát triển và tiếp tục giữ vững vị thế chủ đạo mà Nhà nước đã tin giao, xứng đáng với vị thế là doanh nghiệp VT-CNTT chủ lực của đất nước”.

Đối với Học viện, việc chuyển về thuộc quyền sở hữu của Bộ TT&TT cũng là cơ hội để đơn vị này tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. Giám đốc Học viện Hoàng Minh cho biết khi về Bộ TT&TT, Học viện sẽ là đơn vị tự chủ, không hưởng ngân sách Nhà nước cấp. Tuy nhiên, với thế mạnh sẵn có, ông Minh tin tưởng Học viện sẽ thực hiện thành công và có hiệu quả nhiệm vụ, sứ mệnh phát triển trong giai đoạn mới để tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị đào tạo nghiên cứu chủ lực của Ngành Thông tin và Truyền thông.

Vũ Huy

(Nguồn Tin Tập Đoàn)